Event Channel - Ngày nay, việc sử dụng màn led cho sự kiện là không hiếm, đặc biệt là với các sự kiện có quy mô trung bình trở lên. Bởi lẽ màn led là một trong những thiết bị công nghệ mang đến nhiều hiệu ứng hình ảnh nhất cho các sân khấu, nhất là các sân khấu biểu diễn, nghệ thuật.
Nhưng sử dụng ra sao để phát huy tối đa tác dụng của chúng thì không phải đạo diễn sân khấu nào cũng biết cách thực hiện. Bỏ qua yếu tố kĩ thuật, chúng ta hãy cùng bàn luận về một số kinh nghiệm và lưu ý trong việc sử dụng màn led khi tổ chức sự kiện.
1. Sử dụng màn hình led cho sự kiện nào?
Hầu hết những chương trình nghệ thuật giải trí hoặc cần sự trải nghiệm sinh động thực tế như lễ hội âm nhạc, giới thiệu dự án, ra mắt sản phẩm mới,… thì nhà tổ chức sẽ ưu tiên sử dụng màn hình led. Những loại hình sự kiện thế này, lẽ dĩ nhiên sẽ cần màn hình để hiển thị nội dung trình bày và minh họa. Trong trường hợp sân khấu lớn, ở xa khán giả thì chắc chắn không thể dụng LCD, tivi hay máy chiếu được. Thay vào đó chúng ta phải sử dụng màn led với các kích thước phổ biến là 3:4. 6:9.
Tuy nhiên, cần lưu ý các chương trình mang tính chính quy, nếu phần nội dung đã được phê duyệt thì không cần thiết dùng màn led, tránh gây lãng phí ngân sách làm sự kiện. Bên cạnh đó, với chương trình tổ chức ngoài trời thì bắt buộc phải sử dụng màn led chuyên dụng. Tuyệt đối không được nhầm lẫn giữa việc mang led trong nhà ra ngoài trời để nhìn hình ảnh sắc nét.
2. Chọn lọc visual hiệu ứng cho màn led
Ngoài công dụng trình chiếu, triển lãm thì những hiệu ứng ở màn led là yếu tố quan trọng tạo nên cảm xúc của các tiết mục biểu diễn. Nhưng thay vì đầu tư thiết kế riêng hiệu ứng thì hầu hết các kĩ thuật viên đều dùng visual có sẵn, nên nhiều lúc phần minh họa không liên quan phần trình bày, khiến cho cảm xúc của người xem thiếu trọn vẹn. Một số nhà tổ chức thường coi nhẹ việc màn led sẽ hiển thị cái gì, phó mặc cho đội kĩ thuật tùy ý điều chỉnh, hoặc sự tinh tế của người đạo diễn chưa đủ để làm thăng hoa màn trình chiếu, hoặc cũng có thể ngân sách cho sự kiện không đủ để làm triệt để hơn.
Để chuẩn bị tốt cho sân khấu có màn led ở quy mô vừa và nhỏ thì đạo diễn nên gặp riêng đội kĩ thuật trình chiếu sân khấu và duyệt visual cho từng tiết mục. Còn với những chương trình đặc trưng như DJ show, biểu diễn thời trang,… thì bắt buộc phải dựng visual riêng và có người phụ trách điều khiển trực tiếp (VJ) để đảm bảo hiệu ứng đem lại cảm xúc cao nhất. Ở Việt Nam hiện nay có nhiều công ty thiết kế hiệu ứng đẹp mắt như Red Cat Motion, BlueMAN,... chúng ta có thể chọn lựa agency phù hợp với phong cách và túi tiền của mình.
3. Dàn dựng sân khấu có tính chính phụ
Trên sân khấu ngoài phương cách ghép màn Panorama, các khối led được sắp đặt nhất thiết phải tuấn theo quy tắc chính phụ. Một sân khấu đẹp cần bố trí rõ ràng trọng tâm sân khấu, cũng như biết màn hình ở đâu là khối chính, ở đâu là phần phụ trợ. Màn hình chính thường lớn đặt ở giữa, hiển thị nội dung của tiết mục, các khối led ở hai bên hiển thị hiệu ứng bổ sung, có màu sắc tương tự gam màu ở khối chính. Hoặc chúng ta có thể trình chiếu ở các khối led cùng một loại visual để tránh hình ảnh lộn nhộn trên sân khấu gây rối mắt.
Kết lại, người làm đạo diễn sự kiện khi sử dụng màn hình led cần tinh ý cách thể hiện hiệu ứng, bố cục dàn dựng sân khấu, và tính chất chương trình. Tất cả nhằm tôn vinh các tiết mục biểu diễn, tôn trọng cảm xúc của khán giả. Bằng ngược lại thì chúng ta nên lựa chọn phương án dùng backdrop in bạt hiflex để tiết kiệm ngân sách hơn!
Bình luận về bài viết